justintime.com - justintime.vn - justintime.com.vn

Giảm chồng chéo thủ tục và thông quan nhanh hàng hóa

Tại các cuộc hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (đề án KTCN) do Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chủ trì tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đều có chung mong muốn và kỳ vọng đề án KTCN khi được thực thi phải thấy rõ hơn lợi ích so với mô hình kiểm tra hàng hóa đang áp dụng.

 Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, có tình trạng một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu (NK) có rất nhiều cơ quan kiểm tra. Cùng một mặt hàng, cùng kiểm tra chỉ tiêu như nhau nhưng phải qua hai cơ quan quản lý, gây ách tắc cho DN khi phải chờ thời gian kiểm tra, chờ thời gian xét nghiệm mới đến khâu thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, hiện nay số lượng mặt hàng thuộc diện KTCN còn rất nhiều.

Trong khi đó thủ tục KTCN còn chồng chéo, thời gian chờ chứng nhận KTCN cũng rất dài. Đơn cử như, mặt hàng váng sữa vừa phải làm thủ tục kiểm tra chất lượng vừa phải kiểm dịch, nên thời gian để hoàn thành thủ tục kiểm dịch lô hàng váng sữa DN phải mất 13 ngày, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cơ hội kinh doanh của DN.


Doanh nghiệp kỳ vọng mô hình mới phải mang lại ngay lợi ích thực chất.

Chính vì bất cập nêu trên, cộng đồng DN đều nhất trí và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai đề án KTCN; trong đó, đưa được 7 nội dung cải cách lớn vào đề án KTCN, đáng chú ý là nội dung cơ quan hải quan làm đầu mối KTCN tại cửa khẩu như tinh thần cải cách nêu tại đề án KTCN.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), mục tiêu xuyên suốt trong Đề án KTCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tạo thuận lợi về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho DN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa NK.

Đặc biệt, theo đánh giá của ban soạn thảo, việc áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm là một trong những nội dung cải cách nổi bật tại dự thảo Nghị định. Việc xác định phương thức kiểm tra được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và DN có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp với từng phương thức được thông báo.

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định cũng cho phép DN được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa đã NK trước đó để thực hiện thủ tục cho các lô hàng NK tiếp theo. Lợi ích mang lại của việc áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra giúp cắt giảm số lần phải kiểm tra, số lô hàng NK phải kiểm tra, góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực, ngày công, thời gian thông quan cho DN, từ đó giúp cắt giảm chi phí xã hội không cần thiết.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về cải cách KTCN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Việc triển khai đầy đủ các nội dung cải cách tại đề án sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho DN, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Bởi, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP trong một năm cắt giảm được theo Mô hình mới so với Mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm DN tiết kiệm được khi áp dụng Mô hình mới so với Mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày. Chi phí tiết kiệm được cho DN trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Ông Mai Xuân Chu, đại diện Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Dũng Việt Nam cho biết, nếu việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa NK theo Mô hình mới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho DN khi hệ thống tự động quyết định phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra, các trường hợp miễn kiểm tra.

Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật của DN NK hàng hóa thuộc diện kiểm tra, kiểm tra ATTP. Một ưu việt nữa khu thực hiện theo mô hình mới là các trường hợp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như CE, KC, FDA,… đều được miễn kiểm tra.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, Đề án KTCN đã đưa ra nhiều giải pháp cải cách lớn nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay trong công tác KTCN. Quá trình cải cách KTCN không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong công tác KTCN mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng DN.

Từ phía DN, Đề án được kỳ vọng sẽ giảm đầu mối, giảm thời gian, giảm chi phí, giảm rủi ro cho hoạt động XNK. Nhưng cần lưu ý là các DN kỳ vọng sau khi cải cách phải tốt hơn hiện tại, mô hình mới phải mang lại ngay lợi ích thực chất cho DN.

Lưu Hiệp