justintime.com - justintime.vn - justintime.com.vn

Khái niệm “hàng nhập khẩu”, “hàng nội địa hóa” và “hàng Việt Nam”.

Trên thực tế, có nhiều sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày, nhưng bây giờ nói đó có phải là hàng Việt Nam hay không lại không phải dễ dàng. Ai cũng đồng ý rằng lon Pepsi của nhà máy Pepsi Việt Nam sản xuất ra không phải là hàng nhập. Vậy nó có phải là hàng Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn không phải ai cũng giống nhau.

 Theo tôi, để định nghĩa được “thế nào là hàng Việt Nam” thì cần phân biệt rõ ba khái niệm “hàng nhập khẩu”, “hàng nội địa hóa” và “hàng Việt Nam”.

- Hàng nhập khẩu: là hàng hóa được sản xuất từ một nước khác và nhập qua cửa khẩu Việt Nam, có xuất xứ từ nước ngoài. Như vậy, dù nhà máy này do người Việt Nam làm chủ, sử dụng nhân công Việt Nam, thậm chí có dùng một phần nguyên liệu từ Việt Nam cũng đều phải xem là hàng nhập khẩu. Điều này phù hợp với quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

- Hàng nội địa hóa: là hàng hóa được sản xuất từ nhà máy ở trong nước nhưng mang nhãn hiệu nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu đó là công dân nước ngoài hoặc đó là hàng sản xuất bởi nhà máy trong nước và sở hữu nhãn hiện là công dân Việt Nam nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng không đạt mức quy định của hàng Việt Nam. Như vậy, với ô tô lắp ráp tại Việt Nam mang nhãn hiệu Ford, Toyota hoặc xe gắn máy hiệu Honda, Yamaha... dù sử dụng nhân công Việt Nam và một số phụ tùng trong nước đều được xem là hàng nội địa hóa chứ chưa phải là hàng Việt Nam.

- Hàng Việt Nam: để được gọi là hàng Việt Nam, cần phải đạt ba tiêu chí sau: 1. Phải được sản xuất trong nước, nghĩa là có nhà máy trong nước; 2. Có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể. Thí dụ đối với các ngành hàng mà vật tư trong nước không đáp ứng đủ, sẽ chấp nhận mức giá trị gia tăng thấp hơn, như hàng điện tử, máy móc. Ngược lại, các sản phẩm như thực phẩm, hàng tiêu dùng thông thường, phải có giá trị gia tăng cao hơn; chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa phải là công dân Việt Nam.

Từ đó, ta có thể lý giải được các trường hợp mà bài viết “Cần một định nghĩa cho hàng Việt Nam” đặt ra. Trường hợp Pepsi, ta gọi đó là hàng nội địa hóa, nhưng chưa phải hàng Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp trong nước đặt mua toàn bộ công nghệ, nguyên liệu và thuê nhân công nước ngoài thì nếu người đăng ký nhãn hiệu là công dân Việt Nam và có tỷ lệ giá trị giá tăng phù hợp với quy định thì sẽ được xem là hàng Việt Nam. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì chỉ gọi là hàng nội địa hóa.

Trường hợp sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam nhưng nhà máy do người nước ngoài thành lập và bán ra thị trường thế giới với tên nước ngoài thì sẽ được xem là hàng có “xuất xứ Việt Nam” và được cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam khi xuất khẩu. Nhưng cũng chính các hàng hóa đó, nếu đem tiêu thụ trong nước thì sẽ không được xem là hàng Việt Nam vì chủ sở hữu nhãn hiệu là công dân nước ngoài, mà chỉ được xem là hàng nội địa hóa.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và xuất hàng về Việt Nam, dù nhãn hiệu đó là tiếng Việt Nam vẫn được xem là hàng nhập khẩu. Điều này cũng phù hợp với quy tắc xuất xứ mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành.

Nhân đây, tôi cũng xin đưa ra một số kiến nghị để cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được hiệu quả cao. Trước tiên, Nhà nước nên có quy định rõ về hàng Việt Nam, đặc biệt là tỷ lệ (hàm lượng) giá trị gia tăng trong từng nhóm hàng hóa. Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng nên tổ chức đăng ký và công nhận đối với các sản phẩm là hàng Việt Nam, có thể dùng hình thức gắn nhãn “hàng Việt Nam” hoặc lập một trang web riêng liệt kê danh mục những hàng hóa đạt tiêu chuẩn là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các thủ tục đăng ký là hàng Việt Nam nên thoáng, nhẹ nhàng để tránh căn bệnh xin - cho, chạy chọt.