justintime.com - justintime.vn - justintime.com.vn

Xuất khẩu hàng Việt sang Nga gặp khó

Vài ngày nay, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh liên tục liên lạc với các khách hàng tại Nga và châu Âu để hỏi thăm tình hình và đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn ứ đơn hàng và chứng từ thanh toán.

 Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga đang khiến các đơn hàng Việt Nam xuất khẩu bị ngưng trệ và kẹt thanh toán.

Vài ngày nay, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh liên tục liên lạc với các khách hàng tại Nga và châu Âu để hỏi thăm tình hình và đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn ứ đơn hàng và chứng từ thanh toán.

Doanh nghiệp này mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu USD cà phê, hạt điều, tiêu... sang Nga. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi cùng kỳ 2020. Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra và các nước phương Tây áp đặt loạt trừng phạt lên Nga, các đơn hàng xuất khẩu của Phúc Sinh bị dừng lại.

Việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) khiến đơn hàng sang Nga bị giảm nửa giá trị vì đồng Ruble mất giá, còn thanh toán đình trệ.

Theo ông, các đối tác ở châu Âu, Nga cũng đang gặp khó khăn ngoài ý muốn do các lệnh trừng phạt, nên các đơn đã giao nhưng bị kẹt thanh toán.


Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê

Không riêng Phúc Sinh, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau củ sang Nga khác kể cũng đang phải dừng các đơn hàng do khó vận chuyển hàng. Chứng từ xuất khẩu sang Nga cũng bị ngân hàng từ chối do thanh toán giữa doanh nghiệp Việt và đối tác lâu nay vẫn thực hiện qua mạng lưới SWIFT.

"Các hãng vận chuyển quốc tế đều không nhận hàng, các chuyến bay sang thị trường này cũng hạn chế. Hàng vì thế bị ngưng, còn thanh toán thì không được", vị này chia sẻ.

Nga là thị trường tiềm năng của Việt Nam, xét cả khía cạnh nhập khẩu và xuất khẩu. Số liệu của hải quan cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất sang Nga 3,2 tỷ USD; nhập khẩu từ nước này 2,3 tỷ USD, tăng 15%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga, gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 33% kim ngạch của Việt Nam sang Nga); máy vi tính và sản phẩm điện tử (13%), dệt may (10,5%), cà phê (5,4%), thủy sản (5,1%).

Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu không lớn, dưới một tỷ USD, nhưng nước này lại là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD, tăng gần 51% so với cùng kỳ 2020. Thuỷ sản, giày dép, máy tính điện tử... là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang quốc gia này.

Theo lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, trực tiếp và tiêu cực tới sản xuất, xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu; vận chuyển, lưu thông hàng hoá, thanh toán hợp đồng thương mại... Các doanh nghiệp có dự án hợp tác với Nga, Ukraine, Belarus và các nước liên quan trong cuộc khủng hoảng cũng sẽ chịu tác động.

"Cuộc khủng hoảng này gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực, trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính, tới chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam", Vụ thị trường châu Á, châu Âu nhận xét.

Trước tiên là nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khi cuộc xung đột này đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô... do thị phần sản xuất và xuất khẩu Nga, Ukraine với các mặt hàng này lớn.

Việc thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga cũng sẽ gặp khó, sau khi Mỹ và các nước phương Tây đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng của Nga, đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga...

Những bước trừng phạt này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng thanh toán bằng USD. Ruble mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.

Hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không cũng khiến các hãng phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa. Theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vừa qua đã quá cao, giá cước vận tải tăng tiếp khiến chi phí bị đội lên rất mạnh và họ có thể "không còn đồng lời nào".

Chưa kể, việc đồng ruble mất giá sẽ làm giảm khả năng nhập khẩu của Nga. Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này sẽ phải tính lại bài toán chi phí, thị trường.

Theo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, thương mại song phương Việt - Nga sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt mạnh và toàn diện về tài chính lên Nga. Cơ quan này khuyến cáo doanh nghiệp đang xuất khẩu sang 2 nước trên cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng...

Từ kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cũng cho rằng, lúc này tốt nhất các doanh nghiệp đang có hàng sang Nga nên đưa về và tìm cách bán sang thị trường khác để tránh rủi ro.

Ở khía cạnh này, Vụ thị trường châu Á, châu Âu lưu ý, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hoá thị trường. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất hàng sang Nga và Ukraine, có thể liên hệ thương vụ Việt Nam tại hai quốc gia này để được hỗ trợ, tìm phương thức tháo gỡ.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết và ứng phó kịp thời trước tác động của xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam.