Chi phí vận tải hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản tăng 30% vì xung đột trên thế giới
Posted on: 10/11/2024
Đây là nhận định của ông Trần Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJECPA) tại sự kiện giao lưu doanh nghiệp Nhật Bản vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 9/10.
Theo ông Kiên, sau hơn 50 năm Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ và vừa nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu sang Việt Nam lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ, Trung Quốc đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu của Việt Nam lớn thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Trần Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJECPA).
Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD, năm 2023 đạt 44,95 tỷ USD.
Bước sang năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan. Riêng trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 44,93% so với cùng tháng năm trước.
Hơn nữa, Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 (nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới) đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Do đó, hai nước có rất nhiều cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nhất là trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Nhật Bản cũng hiện đang là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam.
Đáng lưu ý, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau, có nhiều tiềm năng để phát triển quan triển quan hệ thương mại.
Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nhật Bản chủ yếu qua đường thủy (Ảnh minh họa).
Tuy "mảnh đất hợp tác thương mại" giữa Việt Nam và Nhật Bản còn dồi dào nhưng trao đổi với Báo Giao thông, Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJECPA) đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nhật Bản còn vướng mắc khá nhiều thủ tục.
Hơn nữa, theo ông Kiên, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước chủ yếu qua đường biển, một số mặt hàng qua đường hàng không. Song, hiện tại chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa giữa hai nước đang tăng cao do ảnh hưởng của xung đột, chiến sự trên thế giới và hậu Covid-19.
Thậm chí, có thời điểm, chi phí logistics vận chuyển hàng hóa giữa hai nước tăng hơn 30% so với mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tới đây, hai nước có thể tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu để hoạt động giao thương dễ dàng hơn, khai thác triệt để tiềm năng giữa hai nước.
Hiệp hội Xúc tiến kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJECPA) vừa chính thức ra mắt vào ngày 16/9 vừa qua sau hơn 2 năm chuẩn bị. Hiệp hội VJECPA có pháp nhân tại Nhật Bản, đã nhận được quyết định chấp thuận của chính quyền thành phố Higashi Osaka và được sự chấp thuận chuẩn y của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka.
Chỉ sau thời gian ngắn, Hiệp hội đã hỗ trợ thành công đưa doanh nghiệp thực phẩm chức năng Hongo của Nhật Bản mở thị trường tại Việt Nam và hiện đã xin giấy phép đầu tư vào Việt Nam.
Trang Trần