Hạ tầng logistics và hoạt động thương mại biên giới

Hạ tầng logistics và hoạt động thương mại biên giới

Hạ tầng logistics và hoạt động thương mại biên giới

Posted on: 28/12/2024

Với chiều dài biên giới đất liền hơn 5.000 km, Việt Nam tiếp giáp với ba quốc gia láng giềng là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Nhằm tăng cường trao đổi thương mại qua các tuyến biên giới này, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập nhiều hiệp định thương mại song phương với các nước bạn.

Ngoài ra, các thỏa thuận quan trọng liên quan đến kiểm dịch, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và phương thức thanh toán cũng đã được ký kết để đảm bảo sự thông suốt và hiệu quả của hoạt động thương mại.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng hàng hóa được trao đổi qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền đã lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022. Và chiếm 27,68% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với ba thị trường này.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho thấy, tỉnh Lào Cai được xem là điểm giao thương trung chuyển trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến hành lang này kết nối Việt Nam và các quốc gia ASEAN với thị trường phía tây nam rộng lớn của Trung Quốc.

Từ khi được thành lập, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã không ngừng phát triển và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và khu vực tây nam của Trung Quốc.

Trong năm tới, Lào Cai sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển khu kinh tế cửa khẩu, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và logistics. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí và các khu chức năng khác nhằm hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai cho biết, tỉnh đã xây dựng Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng tây nam Trung Quốc”. Đề án nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, tạo ra nguồn lực phát triển mới cho khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.

Nội dung đề án đã được tham vấn ý kiến từ các chuyên gia và hiện đang được trình lên Chính phủ để sớm được phê duyệt. Chúng tôi xác định rằng khu vực tây nam Trung Quốc sẽ không chỉ là thị trường trọng điểm của Lào Cai mà còn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan. Đáng chú ý, tuyến đường sắt mới kết nối Thủ đô Viêng Chăn của Lào với cửa khẩu Mohan của Trung Quốc đã thu hút một lượng lớn hàng hóa. Thậm chí bao gồm cả hàng hóa từ các tỉnh Tây Nam Bộ của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chi phí logistics qua các cửa khẩu của Lào Cai vẫn ở mức cao, làm giảm sức hút đối với các hoạt động giao thương.

Ông Hồ Đức Dũng, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Lào, cho biết: Sau hai năm kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc và Lào đi vào hoạt động, Trung Quốc đã vượt lên từ vị trí đối tác thương mại thứ ba trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Lào.

Trong khi đó, mặc dù Lào và Việt Nam có chung đường biên giới dài 2.337 km, nhưng thương mại biên giới giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Lào và 0,2% của Việt Nam với thế giới.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các khó khăn về cơ sở hạ tầng logistics chưa được giải quyết. Khiến chi phí vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Lào cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan và Trung Quốc, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, theo dõi từ Thương vụ, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự chú trọng đến việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại Lào. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan và Trung Quốc lại có chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn, khiến hàng hóa của họ có sức cạnh tranh vượt trội hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định rằng, trong thời gian tới, thương mại biên giới của Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cùng các quốc gia có chung biên giới đều chú trọng phát triển thương mại biên giới. Hệ thống chính sách thương mại biên giới giữa các nước cũng đang dần được xây dựng và hoàn thiện.

Thứ hai, hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới đất liền ngày càng hiện đại và chuẩn hóa hơn. Hàng hóa trao đổi qua biên giới cũng ngày càng phong phú và đa dạng.

Mặc dù hạ tầng khu vực biên giới đã được quan tâm đầu tư. Đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải và dịch vụ logistics. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế làm cản trở hoạt động thương mại.

Tại các khu vực này, chưa có trung tâm logistics với đầy đủ chức năng cơ bản, dẫn đến chi phí dịch vụ logistics vẫn cao và tính liên kết giữa các vùng, cũng như giữa các doanh nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản và trái cây, với số lượng và chủng loại chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất và chế biến của Việt Nam. Nhiều mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh vẫn chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch với Trung Quốc, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Tại khu vực biên giới giáp Lào, hàng hóa sản xuất thường có quy mô nhỏ lẻ, phần lớn là nguyên liệu thô chưa qua chế biến, mang tính chất thời vụ và không ổn định. Số lượng mặt hàng ít ỏi, giá trị không cao, và chưa hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung.

Đối với biên giới giáp Campuchia, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Thái Lan và Trung Quốc do sự tương đồng về chất lượng, mẫu mã và giá cả.

Để thúc đẩy thương mại biên giới, bà Mai Linh nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách ưu đãi đột phá nhằm thu hút đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ logistics. Điều này sẽ tạo ra các trung tâm logistics hiện đại, cung cấp đầy đủ các dịch vụ như lưu trữ, kiểm hóa hàng hóa, đại lý hải quan, và tổ chức xuất khẩu tại các khu vực biên giới.

Ông Hồ Đức Dũng đề xuất Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động logistics bằng cách hiện thực hóa các dự án như xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn và tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn, hướng đến cải thiện kết nối và giảm chi phí vận tải.