Giá cước vận tải hàng không tăng vọt khi Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu quan trọng

Giá cước vận tải hàng không tăng vọt khi Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu quan trọng

Giá cước vận tải hàng không tăng vọt khi Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu quan trọng

Ngày đăng: 10/12/2024

Thị trường vận tải hàng không đang chứng kiến giá cước tăng mạnh do nhu cầu vận chuyển lớn mà năng lực vận chuyển lại hạn chế, đặc biệt trên các tuyến từ châu Á đến Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong tháng 10, giá cước của các mặt hàng giao ngay đạt mức cao nhất trong năm, với cước từ Việt Nam đến Mỹ tăng 65% và đến châu Âu tăng gần 60%. Việt Nam đã trở thành điểm xuất khẩu nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi năng lực vận chuyển từ TP.HCM đến Bắc Mỹ tăng đến 360% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu năng lực vận tải. Với giá cước tăng hơn 60% so với năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu cao cho các đơn hàng mùa lễ và các sản phẩm công nghệ cao. Mặc dù năng lực vận chuyển đã được cải thiện nhưng giá cước vẫn tiếp tục leo thang bởi phải chịu ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn trong vận tải biển. Tính đến tháng 9, thị trường vận tải hàng không tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Do các vấn đề chuỗi cung ứng buộc nhiều doanh nghiệp phải chọn vận tải hàng không.

Bên cạnh đó, các quy định an ninh mới từ Mỹ và Canada cũng đang làm logistics hàng không trở nên phức tạp hơn. Những quy định này đòi hỏi hãng vận chuyển cung cấp thông tin chi tiết hơn, đặc biệt là trên các tuyến từ châu Âu sang Bắc Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro. Điều này có thể gây ra tình trạng trì hoãn và tăng thêm khó khăn khi mùa cao điểm đang đến gần.

Tại châu Âu, nhu cầu nhập khẩu từ châu Á dự kiến sẽ vẫn cao đến cuối năm 2024, tạo thêm áp lực cho hệ thống vận tải vốn đã quá tải. Các hãng vận chuyển đã công bố phụ phí cho quý 4. Trong đó giá cước từ châu Á - Thái Bình Dương sang Mỹ tăng đáng kể. Trên các tuyến xuyên Đại Tây Dương, giá cước cũng có xu hướng tăng, đặc biệt là chiều từ Đông sang Tây.

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lực vận tải, các nhà vận chuyển đang tìm đến lựa chọn kết hợp đường biển - đường hàng không qua Trung Đông, nơi đã chứng kiến nhu cầu cao trong suốt năm 2024. Tuy nhiên, các tuyến thay thế này vẫn đang đối mặt với việc giá cước tăng do nguồn cung khó đáp ứng kịp với nhu cầu.

Khi mùa cao điểm đến gần, giá cước hàng không dự kiến sẽ tiếp tục leo thang. Các nhà vận chuyển được khuyến cáo chuẩn bị cho chi phí tăng cũng như khả năng bị trì hoãn. Với nhu cầu vận chuyển ngày càng lớn trong khi năng lực vận tải còn hạn chế, thị trường hàng không vẫn biến động mạnh, đặc biệt là trên các tuyến thương mại quan trọng từ châu Á sang Bắc Mỹ và châu Âu.