justintime.com - justintime.vn - justintime.com.vn

Khơi thông vận tải đường thủy đồng bằng sông Cửu Long

Cuối tháng 2 vừa qua, cảng Cái Cui (cụm cảng Cần Thơ) đã đón tàu tải trọng lớn gần 10.000 tấn vào cập bến an toàn trên sông Hậu. Đây là tàu lớn thứ hai cập cảng Cần Thơ nằm trong chuỗi khởi động lại tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa bằng container Hải Phòng-Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và ngược lại sau hơn 6 năm tàu tải trọng lớn không vào được vì luồng sông Hậu bị bồi lắng.


 Vận tải hàng hóa đường thủy là hướng lưu thông hiệu quả cho nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa)

Đây là tin vui với người dân và doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long vì hàng hóa nông, thủy sản từ đây có thể đến các cảng trên cả nước để tiêu thụ và xuất khẩu, giúp giảm chi phí, thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của vùng.

Thành phố Cần Thơ được xác định là đô thị cửa ngõ, trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Vì vậy, việc mở lại tuyến tàu container nội địa vào cụm cảng Cần Thơ sau khi kênh Quan Chánh Bố được thông luồng đã tạo động lực phát triển dịch vụ logistics trọn gói, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện có hai luồng tàu chính từ biển vào sông Hậu là luồng qua kênh Quan Chánh Bố và luồng Định An.

Cách đây hơn 6 năm, khi kênh tắt Quan Chánh Bố hoàn thành chỉ có hơn 30 chuyến tàu có tải trọng lớn vào sông Hậu đến cảng Cái Cui rồi tạm dừng do luồng tàu này bị bồi lắng. Đến cuối năm 2022, sau khi Bộ Giao thông vận tải nạo vét, chống sạt lở tuyến kênh này, tàu lớn mới có thể vào được. Còn luồng Định An cũng bị bồi lắng, chỉ tàu tải trọng từ 1.000- 3.000 tấn có thể vào. Lợi ích từ việc khơi thông lại luồng tàu vào sông Hậu đã rõ. Tuy nhiên, việc duy trì tuyến vận tải huyết mạch này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện tàu tải trọng lớn vào sông Hậu mất khá nhiều thời gian, do tuyến kênh Quan Chánh Bố hẹp, một số điểm lại bị bồi lắng, sạt lở nên tàu chỉ chạy một chiều và cần có hoa tiêu dẫn đường để bảo đảm an toàn, dẫn đến thời gian tàu từ biển vào đến cảng Cái Cui mất khoảng 30 giờ cho hơn 100km. Tàu lớn ra, vào sông Hậu phải đợi thủy triều dâng cao nên đơn vị vận tải, doanh nghiệp không chủ động trong việc khai thác kinh doanh hàng hóa tại cảng.

Theo kế hoạch, hằng tháng có hai chuyến tàu tải trọng lớn vào cảng Cái Cui bốc dỡ hàng hóa nhưng ba tháng qua kể từ khi nối lại hoạt động tuyến hàng hải này, chỉ có hai chuyến tàu lớn vào sông Hậu do đi lại vẫn khó khăn, lượng hàng hóa qua cảng còn hạn chế, tàu vào cảng khi trở ra không đầy hàng, hiệu quả khai thác chưa cao. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp để duy trì tuyến vận tải này thường xuyên, lâu dài.

Hiện hàng hóa xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 18 triệu tấn/năm) thông qua cụm cảng Cần Thơ chưa nhiều và phần lớn (80%) hàng hóa của vùng vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ làm tăng chi phí. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cần có giải pháp duy trì mớn nước âm 6,5m để tàu có tải trọng lớn vào được sông Hậu đến cụm cảng Cần Thơ, tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng nông sản.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 45 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Cần Thơ, trong đó có dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ (luồng thứ 2 cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu song song với luồng Quan Chánh Bố) để tàu lớn ra, vào thuận tiện vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng. Vì thế, Bộ Giao thông vận tải cần sớm hoàn thành nạo vét luồng Định An để có hai luồng chạy tàu song song ra, vào sông Hậu nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, lâu dài luồng vận tải thủy huyết mạch này.

Khi đó, các doanh nghiệp trong vùng sẽ đưa hàng hóa đến cảng Cái Cui vận chuyển tiêu thụ và xuất khẩu; thực hiện khát vọng của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long đưa nông sản vươn khơi.