Theo thông tin của Báo Giao thông, 3 năm trở lại đây, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò liên tục biến động theo chiều hướng giảm so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn cả tỉnh.
Nếu như năm 2020, lượng hàng qua cảng chiếm 25,2%, sang năm 2021 còn 15% và đến năm năm 2022 chỉ chiếm khoảng 14,67%.
Trong khi đó, tính đến tháng 12/2022, cảng Cửa Lò có 5 bến tổng hợp đi vào vận hành, khai thác hàng tổng hợp, hàng rời, hàng container (chưa có bến container).
Hiện tại, có 3 hãng tàu đang khai thác hàng container với tải trọng dưới 1.000 Teu, với các hoạt động trung chuyển từ cảng Cửa Lò đến cảng TP.HCM và ngược lại. Ngoài ra, còn có tàu container đi trực tiếp quốc tế từ Cửa Lò - Kolkatar (Ấn Độ) - Chitagong (Bangladesh) với tần suất hạn chế (1 chuyến/tháng và năm 2022 đã khai thác được khoảng 7 chuyến).
Hàng container ra vào cảng được đánh giá còn ít, thiếu ổn định, chiếm tỷ lệ từ 30 - 40% tổng hàng hóa qua cảng và có chiều hướng giảm (từ 1,63 triệu tấn năm 2020 xuống còn 1,30 triệu tấn năm 2022) và mất cân đối giữa hàng đi và hàng đến, dẫn đến khả năng khai thác hàng hóa 2 chiều của các hãng tàu để giảm chi phí, duy trì hoạt động thường xuyên gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ cho tất cả các hãng tàu vận chuyển container đi quốc tế, trung chuyển quốc tế và hàng nội địa, tạo đòn bẩy thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò.
Được biết, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò (tỉnh nghệ An).
Dự thảo đề xuất áp dụng chính sách cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò, trừ hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảng.
Trong đó, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến/mỗi tháng với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò có tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng với mức đối với container 20 feet là 600 nghìn đồng/container, container 40 feet trở lên là 1 triệu đồng/container.
Các hãng tàu và các doanh nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng chính sách được quyền lựa chọn phương thức nhận kinh phí hỗ trợ theo tháng hoặc một lần (12 tháng).
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông - đơn vị mở tuyến container quốc tế đi Ấn Độ qua cảng Cửa Lò cho biết từ tháng 8/2022, sản lượng hàng hóa và giá cước có sự sụt giảm mạnh. Đến nay, hãng tàu đang tính phương án thay đổi cảng đến để khai thác hiệu quả hơn.
Đồng thời, đại diện hãng tàu Biển Đông cho rằng, nếu tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ phần nào chi phí sẽ giúp các chủ tàu giảm bớt gánh nặng.
Trước đó, ông Bùi Kiều Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết doanh nghiệp đã trình đơn đề nghị hỗ trợ lên UBND tỉnh Nghệ An và đang chờ xem xét. Ông Hưng cho rằng trước mắt, cần sự kết nối để hình thành một “chợ” và sau này, các khu công nghiệp phát triển, nhu cầu cao hơn, lượng hàng tốt hơn mới có thể mở thêm tuyến vận tải container.
Cảng Nghệ Tĩnh cũng đã tìm phương án để kích cầu các hãng tàu container mở tuyến vận tải, như ưu ái về chi phí xếp dỡ lấy ở mức thấp nhất, tàu vào được cập cảng làm hàng ngay, thời gian làm hàng nhanh hơn. Đồng thời, cảng cũng tạo điều kiện hết sức trong việc kết nối hải quan, làm các thủ tục liên quan.