Xanh hóa logistics hướng tới thương mại điện tử bền vững

Xanh hóa logistics hướng tới thương mại điện tử bền vững

Xanh hóa logistics hướng tới thương mại điện tử bền vững

Ngày đăng: 25/12/2024

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, nằm trong nhóm các quốc gia phát triển nhanh nhất cả ở khu vực và toàn cầu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng mang lại những tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt từ dịch vụ logistics. Bao gồm việc sử dụng nhựa, nylon trong đóng gói hàng hóa và việc vận chuyển gây ra lượng lớn khí thải CO2.

Khi toàn bộ nền kinh tế đang tập trung vào mục tiêu tăng trưởng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, thương mại điện tử cũng không nằm ngoài xu thế này. Đặc biệt, việc xanh hóa logistics trong thương mại điện tử trở thành yếu tố then chốt, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.

Lượng phát thải lớn

Trong suốt 15 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới và được dự báo sẽ còn tiếp tục cải thiện thứ hạng trong những năm tới. Đóng vai trò then chốt trong sự thành công này là lĩnh vực logistics, mắt xích quan trọng giúp hoàn thành các đơn hàng và giao dịch. Với 43,9 triệu người tiêu dùng trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất Đông Nam Á, điều này phản ánh nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dù tăng trưởng nhanh chóng, thương mại điện tử vẫn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững liên quan đến logistics. Trong mảng bán lẻ trực tuyến, có hai yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường là hoạt động giao hàng và đóng gói. Mỗi sản phẩm từ các cửa hàng trực tuyến đều đi kèm bao bì riêng, thường là hộp carton, túi nylon, hộp xốp hoặc các vật liệu nhựa dùng một lần. Hàng ngày, hàng nghìn phương tiện như xe tải, ô tô, xe máy… liên tục di chuyển để giao và nhận hàng, tạo ra lượng lớn khí thải carbon. Đặc biệt, các tác động này càng nghiêm trọng hơn khi áp dụng dịch vụ giao hàng nhanh.

Chung tay bảo vệ môi trường

Hoạt động logistics đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử, nhưng cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Do đó, việc “xanh hóa” hoạt động logistics là nhu cầu bắt buộc để phát triển thương mại điện tử bền vững hơn. T

heo các chuyên gia, logistics xanh là phương pháp quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này bao gồm việc tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm tình trạng xe rỗng, đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm các phương thức không thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, “xanh hóa” còn ở việc ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong bao gói sản phẩm và tìm cách tái sử dụng bao bì.